Skip to main content
21/02/2025

Phân biệt chụp MRI và CT: Lựa chọn phương pháp phù hợp

Chụp MRI và chụp CT đều là những phương pháp chẩn đoán hình ảnh quan trọng, giúp bác sĩ quan sát bên trong cơ thể mà không cần phẫu thuật. Tuy nhiên, mỗi phương pháp có nguyên lý hoạt động, ứng dụng và ưu nhược điểm khác nhau. Hiểu rõ sự khác biệt giữa chụp MRI và CT sẽ giúp bạn lựa chọn phương pháp phù hợp với tình trạng sức khỏe của mình.

MRI Chụp cộng hưởng từ (MRI) Chụp cắt lớp vi tính (CT) CT Scanner

MRI và CT là gì?

Chụp MRI (Chụp cộng hưởng từ) và chụp CT (Chụp cắt lớp vi tính) là hai kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không đau, không xâm lấn; tạo ra hình ảnh cấu trúc trong cơ thể con người, bao gồm các cơ quan, xương, cơ và mạch máu; hỗ trợ hiệu quả cho bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị bệnh.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) là gì?

Chụp cộng hưởng từ MRI (Magnetic Resonance Imaging) là phương pháp tạo hình ảnh chi tiết bên trong cơ thể bằng từ trường mạnh và sóng radio. MRI có khả năng cung cấp hình ảnh 3D rõ nét về mô mềm, cơ, dây chằng, thần kinh, mạch máu và các bộ phận trong cơ thể mà không sử dụng tia X.

MRI thường được chỉ định trong các trường hợp:

  • Chấn thương dây chằng, thoát vị đĩa đệm, bệnh lý cột sống
  • Đột quỵ, u não, tổn thương thần kinh
  • Bệnh lý tim mạch, mạch máu
  • Đánh giá mô mềm, sụn khớp, dây thần kinh

Chụp cắt lớp vi tính (CT) là gì?

Chụp CT (Computed Tomography), hay CT Scan, trong tiếng Việt gọi là “chụp cắt lớp vi tính”, là phương pháp sử dụng tia X để tạo ra nhiều hình ảnh cắt lớp ngang của cơ thể, sau đó tái tạo đa mặt phẳng và tái tạo thành hình ảnh 3D. CT giúp khảo sát rõ ràng các cấu trúc xương, mạch máu, phổi và nội tạng, đặc biệt hữu ích trong các trường hợp cấp cứu hoặc cần chẩn đoán nhanh.

Chụp CT thường được chỉ định trong các trường hợp:

  • Chẩn đoán gãy xương, chấn thương vùng đầu, ngực, bụng
  • Đánh giá xuất huyết não, tắc nghẽn mạch máu, đột quỵ
  • Kiểm tra bệnh lý phổi, phát hiện sỏi thận, tổn thương gan

So sánh chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp vi tính (CT)

Tiêu chíChụp MRIChụp CT
Nguyên lý hoạt độngSử dụng từ trường và sóng vô tuyến (radio)Sử dụng bức xạ tia X với liều thấp
Ứng dụng chínhChẩn đoán bệnh lý thần kinh, cột sống, tim mạch, mô mềmChẩn đoán chấn thương, xuất huyết, gãy xương, bệnh lý phổi, gan
Độ an toànKhông sử dụng tia X, an toàn hơnCó tia X, cần cân nhắc khi chụp nhiều lần
Độ chi tiết hình ảnhCung cấp hình ảnh có chất lượng cao, sắc nét và chi tiết đối với mô mềm, thần kinh, dây chằng,  các vị trí khuấtRõ nét hơn với xương, mạch máu, nội tạng
Thời gian chụp15-60 phút5-15 phút
Hạn chếKhông phù hợp với người có thiết bị kim loại trong cơ thể (máy tạo nhịp tim, clip phẫu thuật…)Không cung cấp hình ảnh chi tiết về mô mềm như MRI
Tiếng ồnTạo ra tiếng ồn lớn, cần sử dụng tai nghe hoặc nút tai để tránh ảnh hưởng thính lực.Tạo ra tiếng nhẹ nhàng hơn MRI, không cần dùng thiết bị bảo vệ tai.
Thuốc tương phảnCả hai phương pháp chụp đều có thể dùng chất tương phản để nâng cao chất lượng hình ảnh. 
Vai trò trong ung thưCả hai kỹ thuật hình ảnh đều được sử dụng để xác định và theo dõi ung thư, tùy thuộc vào vị trí ung thư.

Vì sao chọn chụp MRI hay CT?

Việc quyết định chụp MRI hay CT phụ thuộc vào từng khu vực cơ thể cần kiểm tra và tình trạng bệnh lý cụ thể. Nhiều người lầm tưởng rằng MRI là phương pháp tiên tiến hơn CT, tuy nhiên trên thực tế, mỗi kỹ thuật đều có những ứng dụng riêng biệt. Có những tổn thương chỉ có thể phát hiện bằng chụp CT, trong khi một số bệnh lý khác lại cần đến chụp MRI để quan sát chi tiết hơn. Vì vậy, trong quá trình chẩn đoán và điều trị, bác sĩ có thể chỉ định MRI hoặc CT độc lập, hoặc kết hợp cả hai để đảm bảo kết quả chính xác nhất.

Chụp CT – Phát hiện nhanh chóng tổn thương xương và nội tạng

So với chụp MRI, chụp CT (cắt lớp vi tính) ​​phù hợp hơn trong việc khảo sát cấu trúc xương, hộp sọ và các tạng trong cơ thể. Đây là phương pháp sử dụng tia X để tạo hình ảnh cắt lớp chi tiết, giúp phát hiện nhanh chóng các tổn thương bên trong. 

Hệ thống CT Scanner SOMATOM (Siemens, Đức) tại Prime Medical Care
Hệ thống CT Scanner SOMATOM (Siemens, Đức) tại Prime Medical Care

Chụp CT thường được chỉ định trong các trường hợp:

Kiểm tra tim mạch

  • Đánh giá tình trạng tắc nghẽn động mạch, bệnh mạch vành, phình động mạch chủ.
  • Hỗ trợ phát hiện bệnh tim, rối loạn tuần hoàn mạch máu.

Chẩn đoán bệnh lý phổi

  • Xác định dấu hiệu xơ phổi, khí phế thũng, tràn dịch màng phổi.
  • Phát hiện viêm phổi, lao phổi, khối u phổi hoặc các bệnh lý liên quan.

Đánh giá tổn thương ổ bụng

  • Xác định chấn thương nội tạng như gan, thận, lách, tụy.
  • Kiểm tra viêm ruột thừa, xuất huyết nội, tắc ruột hoặc các bệnh lý tiêu hóa khác.

Chẩn đoán tổn thương hệ xương

  • Phát hiện gãy xương, chấn thương cột sống, loãng xương.
  • Đánh giá khối u xương, viêm xương, thoái hóa khớp.

Chụp CT não và hệ thần kinh

  • Hỗ trợ chẩn đoán xuất huyết não, đột quỵ, vôi hóa não.
  • Đánh giá khối u não, tổn thương thần kinh, tuần hoàn máu não.

Xác định vị trí khối u và theo dõi ung thư

  • Hỗ trợ phát hiện các khối u ở phổi, gan, thận, não và các cơ quan khác.
  • Theo dõi sự phát triển và giai đoạn ung thư để đưa ra phác đồ điều trị phù hợp.

Chụp MRI – Giải pháp an toàn và chính xác trong chẩn đoán y khoa

MRI là phương pháp được ưu tiên khi cần chụp thường xuyên để theo dõi quá trình điều trị nhờ tính an toàn cao. Đây là kỹ thuật an toàn đối với cả trẻ em và phụ nữ mang thai. Từ tháng thứ 4 của thai kỳ, thai phụ có thể thực hiện chụp MRI để tầm soát nguy cơ dị tật thai nhi mà không gây ảnh hưởng đến sức khỏe.

So với CT hay X-quang, MRI là lựa chọn tối ưu khi cần đánh giá chi tiết mô mềm, chẳng hạn như trường hợp đứt dây chằng, thoát vị đĩa đệm hoặc tổn thương ở các bộ phận không thể quan sát rõ bằng các phương pháp khác.

Hệ thống cộng hưởng từ (MRI) MAGNETOM AMIRA 1.5 Tesla tại Prime Medical Care
Hệ thống cộng hưởng từ (MRI) MAGNETOM AMIRA 1.5 Tesla tại Prime Medical Care

Chụp MRI được bác sĩ chỉ định trong nhiều trường hợp, bao gồm:

Chẩn đoán bệnh lý xương khớp

  • Khớp: MRI có thể ghi nhận rõ các bất thường ở dây chằng, gân và khớp, hỗ trợ phát hiện chấn thương hoặc thoái hóa khớp.
  • Xương: Hình ảnh MRI giúp bác sĩ quan sát chi tiết mô mềm xung quanh xương, từ đó đánh giá các vấn đề như nhiễm trùng xương, khối u, ung thư xương.

Kiểm tra hệ mạch máu và tim mạch

  • MRI được sử dụng để phát hiện chứng phình động mạch, tổn thương mạch vành, tắc nghẽn động mạch, giúp chẩn đoán sớm nguy cơ đau tim và bệnh lý tim mạch.
  • MRI mạch máu có thể thực hiện mà không cần tiêm thuốc cản quang, rất phù hợp với bệnh nhân suy thận hoặc dị ứng thuốc cản quang.

Đánh giá hệ thần kinh và não bộ

  • MRI giúp phát hiện bệnh đa xơ cứng, đột quỵ, phình động mạch, cũng như các tổn thương thần kinh ảnh hưởng đến não và tủy sống.
  • Đây cũng là phương pháp tối ưu để kiểm tra bất thường trong não, chẳng hạn như u não, viêm não, thoái hóa thần kinh.

Tầm soát ung thư và phát hiện khối u

  • Chụp MRI vú là phương pháp tầm soát ung thư vú hiệu quả, đặc biệt dành cho những người có nguy cơ cao hoặc đang theo dõi điều trị ung thư.
  • MRI cũng giúp phát hiện khối u ở nhiều vị trí khác nhau, hỗ trợ đánh giá giai đoạn bệnh và theo dõi hiệu quả điều trị.

Ai không nên chụp MRI?

Chụp MRI được đánh giá là một phương pháp chẩn đoán hình ảnh an toàn, không xâm lấn và không sử dụng tia X. Tuy nhiên, có một số trường hợp không nên hoặc cần thận trọng khi thực hiện kỹ thuật này.

  • Phụ nữ mang thai 3 tháng đầu: Dù chưa có nghiên cứu khẳng định MRI gây ảnh hưởng đến thai nhi, nhưng để đảm bảo an toàn, chỉ nên thực hiện khi có chỉ định từ bác sĩ.
  • Người có thiết bị kim loại trong cơ thể: Máy tạo nhịp tim, máy kích thích thần kinh, cấy ghép ốc tai điện tử, dị vật kim loại ở não, hốc mắt có thể bị ảnh hưởng bởi từ trường mạnh của MRI. Nếu thiết bị làm từ titan, MRI vẫn có thể thực hiện được.
  • Người có khớp giả, nẹp xương, stent mạch máu: Những vật liệu này không ảnh hưởng đến MRI nhưng có thể gây xảo ảnh kim loại, làm giảm chất lượng hình ảnh.
  • Người dị ứng hoặc mắc bệnh lý nền nghiêm trọng: Người có tiền sử dị ứng thuốc tương phản từ, bệnh thận nặng hoặc phụ nữ cho con bú cần thông báo với bác sĩ trước khi chụp MRI có tiêm thuốc.

Ai không nên chụp CT?

Chụp CT sử dụng tia X để tạo ra hình ảnh cắt lớp của cơ thể. Lượng bức xạ từ một lần chụp CT thấp và không gây nguy cơ tức thời, nhưng nếu phải chụp nhiều lần trong thời gian dài, mức độ phơi nhiễm bức xạ có thể tăng lên. Vì vậy, một số đối tượng sau cần cân nhắc khi thực hiện chụp CT.

  • Trẻ em và người phải chụp CT liên tục: Do cơ thể trẻ em nhạy cảm hơn với bức xạ, chụp CT không được khuyến khích trừ khi thực sự cần thiết và có chỉ định của bác sĩ. Ngoài ra, những người phải chụp CT nhiều lần trong thời gian ngắn cũng cần cân nhắc để hạn chế tác động của bức xạ lên cơ thể.
  • Phụ nữ mang thai hoặc nghi ngờ có thai, đặc biệt trong tam cá nguyệt đầu tiên, không nên chụp CT trừ khi có chỉ định bắt buộc từ bác sĩ. Mặc dù liều tia X từ chụp CT thấp, nhưng nếu có thể thay thế bằng chụp MRI hoặc phương pháp khác không sử dụng tia X, điều đó sẽ đảm bảo an toàn hơn cho thai nhi.
  • Người có tiền sử dị ứng với thuốc cản quang: Một số xét nghiệm CT yêu cầu tiêm thuốc cản quang để tăng độ rõ nét của hình ảnh. Nếu bệnh nhân có tiền sử dị ứng thuốc cản quang, cần thông báo với bác sĩ để có hướng xử lý phù hợp, tránh nguy cơ phản ứng dị ứng nghiêm trọng.

Lưu ý trước khi chụp MRI và CT

Đối với những người có thiết bị kim loại cấy ghép, việc cung cấp hồ sơ y tế chi tiết sẽ giúp bác sĩ đánh giá mức độ an toàn trước khi thực hiện chụp MRI. Nếu đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai, khách hàng cần trao đổi với bác sĩ để cân nhắc phương pháp chẩn đoán hình ảnh thay thế. 

Trước khi chụp MRI có tiêm thuốc tương phản hoặc CT có sử dụng thuốc cản quang, khách hàng nên kiểm tra chức năng thận để đảm bảo khả năng đào thải thuốc một cách an toàn, giảm thiểu rủi ro ảnh hưởng đến sức khỏe.

Để biết thêm thông tin chi tiết về chụp MRI/ chụp CT, Quý Khách hàng vui lòng liên hệ:

Trung tâm Y khoa Prime
Hotline: 1900 1996
Địa chỉ: Số 2C Trần Thánh Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Website: www.pmc-healthclub.com
Fanpage: Prime Medical Care

Bài viết liên quan

LIÊN HỆ
Địa chỉ:
Địa chỉ: Số 2C Trần Thánh Tông, Phường Phạm Đình Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội.
Thời gian làm việc
Thứ 2 đến Thứ 7
Từ 08:00 đến 17:30

Chịu trách nhiệm chuyên môn: PGS. TS Phạm Nguyên Sơn, CCHN 020690/CCHN-BQP cấp ngày 19/02/2016 tại Bộ Quốc phòng.

Giấy phép hoạt động: Số 3689/HNO-GPHĐ.