Skip to main content
18/03/2025

BEFAST: Nhận diện và Chủ động phòng ngừa Đột quỵ nhanh chóng

Đột quỵ (stroke) là nguyên nhân hàng đầu trên thế giới gây tử vong và để lại di chứng nặng nề, với hàng triệu ca mắc mới mỗi năm. Đây là tình trạng cấp cứu y khoa nghiêm trọng, đòi hỏi sự can thiệp kịp thời để giảm thiểu tổn thương não và tăng cơ hội phục hồi. BEFAST là một phương pháp nhận diện sớm đột quỵ, giúp người bệnh nhanh chóng được cấp cứu trong “thời gian vàng”. 

BEFAST là gì? Cơ chế nhận diện này hoạt động ra sao? Cùng Prime Medical Care tìm hiểu thông tin chi tiết về phương pháp này và cách phòng ngừa và xử lý khi gặp phải tình huống nguy hiểm.

Đột Quỵ là gì?

Đột quỵ (stroke) là một tình trạng bệnh lý nguy hiểm, xảy ra khi dòng máu cung cấp cho não bị gián đoạn đột ngột, khiến các tế bào não thiếu oxy và dưỡng chất. Nếu không được cấp cứu kịp thời, những tổn thương này có thể trở nên vĩnh viễn, dẫn đến tàn tật nghiêm trọng hoặc thậm chí tử vong.

Dựa trên cơ chế gây bệnh, đột quỵ được chia thành hai loại chính:

  • Đột quỵ thiếu máu não (Ischemic stroke): Đây là dạng phổ biến nhất, chiếm khoảng 87% tổng số ca đột quỵ. Nguyên nhân chủ yếu là do cục máu đông hoặc mảng xơ vữa làm tắc nghẽn động mạch, ngăn chặn dòng máu chảy đến não. Khi thiếu oxy trong thời gian dài, các tế bào thần kinh bị tổn thương và chết đi, gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng vận động, ngôn ngữ và nhận thức.
    Các yếu tố nguy cơ của đột quỵ thiếu máu não bao gồm cao huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá, và lối sống ít vận động.
  • Đột quỵ xuất huyết não (Hemorrhagic stroke): Loại này xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ, khiến máu tràn vào nhu mô não hoặc khoang dưới nhện, gây tổn thương não nghiêm trọng. Đột quỵ xuất huyết thường liên quan đến các bệnh lý như cao huyết áp kéo dài, dị dạng mạch máu não hoặc chấn thương đầu.

Đột quỵ xuất huyết có thể gây ra các triệu chứng nặng nề như đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn mửa, và mất ý thức. Điều trị đột quỵ xuất huyết đòi hỏi can thiệp y tế khẩn cấp để kiểm soát tình trạng chảy máu và giảm thiểu tổn thương não.

Nhận diện BEFAST: 6 dấu hiệu quan trọng để cấp cứu kịp thời

Trước đây, quy tắc FAST (Face – Khuôn mặt, Arms – Tay, Speech – Giọng nói, Time – Thời gian) được sử dụng rộng rãi để nhận diện nhanh các dấu hiệu đột quỵ. FAST giúp xác định các triệu chứng phổ biến như méo miệng, yếu liệt tay chân và rối loạn ngôn ngữ, từ đó đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế sớm nhất có thể. Tuy nhiên, các nghiên cứu cho thấy FAST có thể bỏ sót một số dấu hiệu quan trọng khác của đột quỵ, đặc biệt là những trường hợp liên quan đến tuần hoàn não sau.

Theo các nghiên cứu dịch tễ học, việc mở rộng FAST thành BEFAST bằng cách thêm hai yếu tố Balance (Cân bằng) và Eyes (Thị giác) giúp tăng độ chính xác trong nhận diện đột quỵ. Một nghiên cứu được công bố trên Journal of Stroke and Cerebrovascular Diseases cho thấy BEFAST có thể phát hiện tới 97% các ca đột quỵ, trong khi FAST chỉ đạt khoảng 85 – 89% tùy vào nhóm bệnh nhân. Điều này đặc biệt quan trọng vì đột quỵ liên quan đến hệ tuần hoàn sau có thể gây mất thăng bằng hoặc thay đổi thị lực, những dấu hiệu không được đề cập trong FAST.

BEFAST là một quy tắc nhận diện sớm các dấu hiệu đột quỵ, giúp tăng khả năng can thiệp y tế kịp thời, từ đó giảm thiểu tổn thương não và cải thiện tiên lượng cho bệnh nhân. BEFAST là viết tắt của sáu dấu hiệu quan trọng cần lưu ý:

  • B (Balance – Cân bằng): Người bệnh đột ngột mất thăng bằng, cảm giác loạng choạng, chóng mặt hoặc không thể kiểm soát cơ thể.
  • E (Eyes – Mắt): Suy giảm thị lực hoặc mất thị lực hoàn toàn ở một hoặc cả hai mắt, thường xảy ra đột ngột.
  • F (Face – Khuôn mặt): Một bên mặt bị méo, xệ xuống, miệng lệch khi cười hoặc không thể cử động bình thường.
  • A (Arms – Tay): Một cánh tay bị yếu, tê liệt hoặc không thể nâng lên.
  • S (Speech – Giọng nói): Giọng nói bị méo, không rõ ràng hoặc không thể nói được.
  • T (Time – Thời gian): Nếu xuất hiện bất kỳ dấu hiệu nào trên, cần gọi cấp cứu ngay lập tức để bệnh nhân được điều trị sớm nhất có thể.
BEFAST
Đột Quỵ

Thời gian là não – Thời gian là yếu tố quyết định trong điều trị đột quỵ. Nếu người bệnh được cấp cứu trong 3-4.5 giờ đầu, khả năng phục hồi sẽ cao hơn đáng kể. Khi dòng máu lên não bị gián đoạn, cứ mỗi phút trôi qua, khoảng 2 triệu tế bào não bị chết. Do đó, phát hiện sớm và hành động ngay lập tức có thể giúp giảm thiểu tổn thương và cải thiện tiên lượng bệnh nhân.

Yếu tố nguy cơ dẫn đến Đột quỵ

Có nhiều yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ, được chia thành hai nhóm:

  • Yếu tố không thể thay đổi:

– Tuổi tác: Nguy cơ đột quỵ tăng theo tuổi, đặc biệt người trên 55 tuổi có nguy cơ cao hơn. Tuy nhiên, đột quỵ vẫn có thể xảy ra ở người trẻ.

– Tiền sử gia đình: Nếu có người thân mắc đột quỵ, nguy cơ mắc bệnh sẽ cao hơn do yếu tố di truyền và lối sống chung..

– Giới tính: Nam giới có tỷ lệ mắc đột quỵ cao hơn nữ giới, nhưng phụ nữ có xu hướng tử vong do đột quỵ cao hơn, đặc biệt là ở độ tuổi lớn.

  • Yếu tố có thể kiểm soát:

– Tăng huyết áp: Là nguyên nhân hàng đầu gây đột quỵ. Huyết áp cao có thể làm tổn thương thành mạch, gây xơ vữa động mạch và hình thành cục máu đông. 

– Đái tháo đường: Lượng đường trong máu cao có thể làm tổn thương mạch máu và thúc đẩy quá trình xơ vữa, làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu não.

– Hút thuốc lá: Nicotine và các hóa chất độc hại trong thuốc lá làm hẹp mạch máu và tăng nguy cơ hình thành cục máu đông,  dễ dẫn đến đột quỵ..

– Béo phì và ít vận động: Thừa cân, đặc biệt là béo bụng, làm tăng nguy cơ mắc cao huyết áp, tiểu đường và bệnh tim mạch, góp phần làm tăng nguy cơ đột quỵ.

Chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt không lành mạnh: Việc tiêu thụ quá nhiều muối, chất béo bão hòa, thực phẩm chế biến sẵn và ít rau xanh có thể làm tăng huyết áp, cholesterol, góp phần vào xơ vữa động mạch và tăng nguy cơ đột quỵ. Bên cạnh đó, sử dụng rượu bia quá mức cũng làm tăng huyết áp, gây loạn nhịp tim và đặc biệt có thể làm tăng nguy cơ xuất huyết não do tác động tiêu cực lên mạch máu.

Một số phương pháp phòng ngừa Đột quỵ hiệu quả

Đột quỵ có thể phòng ngừa bằng cách thực hiện các biện pháp sau:

  • Kiểm soát huyết áp: Duy trì huyết áp dưới 120/80 mmHg bằng chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục.
  • Giảm cholesterol: Tránh thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa, tăng cường sử dụng dầu thực vật và chất xơ.
  • Tập thể dục thường xuyên: Tối thiểu 150 phút/tuần với các bài tập như đi bộ, chạy bộ hoặc yoga.
  • Ngừng hút thuốc và hạn chế rượu bia: Giảm nguy cơ hình thành mảng xơ vữa động mạch.
  • Kiểm tra sức khỏe định kỳ: Theo dõi huyết áp, lượng đường trong máu và cholesterol để kịp thời phát hiện nguy cơ tiềm ẩn.

“Không có gì quý hơn một trái tim khỏe mạnh, bởi đó chính là nhịp đập của cuộc sống.”

Đột quỵ có thể xảy ra bất ngờ, nhưng bạn hoàn toàn có thể chủ động bảo vệ sức khỏe ngay từ hôm nay. Gói khám Tầm soát Tim mạch & Đột quỵ của Prime Medical Care được thiết kế để loại bỏ mọi nguy cơ tiềm ẩn, đảm bảo sự an toàn và sức khỏe lâu dài cho khách hàng. Với đội ngũ bác sĩ, chuyên gia đầu ngành, cùng sự đồng hành của thư ký sức khỏe và trợ lý Y khoa, PMC luôn theo dõi sát sao sức khỏe của Khách hàng, từ đó duy trì sức khỏe tim mạch bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống. 

Trung tâm chăm sóc sức khỏe cao cấp Prime Medical Care 
Hotline: 1900 1996
Địa chỉ: Số 2C Trần Thánh Tông, Hai Bà Trưng, Hà Nội
Website: www.pmc-healthclub.com
Fanpage: Prime Medical Care

Bài viết liên quan

LIÊN HỆ
Địa chỉ:
Địa chỉ: Số 2C Trần Thánh Tông, Phường Phạm Đình Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội.
Thời gian làm việc
Thứ 2 đến Thứ 7
Từ 08:00 đến 17:30

Chịu trách nhiệm chuyên môn: PGS. TS Phạm Nguyên Sơn, CCHN 020690/CCHN-BQP cấp ngày 19/02/2016 tại Bộ Quốc phòng.

Giấy phép hoạt động: Số 3689/HNO-GPHĐ.